Wednesday, August 22, 2012

Kinh nghiệm tự học tiếng Anh - Nguyễn Hữu Thiện

* YTC trân trọng giới thiệu với cộng đồng dịch giả trẻ một tài liệu tham khảo về kinh nghiệm cá nhân khi tự học tiếng Anh mà dịch giả Nguyễn Hữu Thiện rút ra được trong quá trình tự rèn luyện của mình. Dịch giả Nguyễn Hữu Thiện cũng là một chuyên gia độc lập nghiên cứu về sông Mekong.

Người Việt Nam học tiếng Anh thường gặp nhiều khó khăn hai ngôn ngữ quá khác xa nhau và vì văn hóa khác nhau, lối suy nghĩ khác nhau, nên cách diễn tả ý nghĩ và các khái niệm cũng khác nhau. Lúc mới học tiếng Anh, nhất là khi sắp tới một kỳ thi nào quan trọng, hoặc sau một vài năm học mà chưa đạt kết quả như mong muốn, ta thường hỏi những người đi trước về ‘bí quyết’. Ai đã từng học tiếng Anh sẽ biết rằng, quan niệm cho đúng, học có phương pháp sẽ tiến nhanh hơn rất nhiều, trong khi có những người học hơn 10 năm, 20 năm vẫn không có kết quả tốt vì quan niệm sai và thiếu phương pháp.

Bản thân người viết bài này là người tự học tiếng Anh, chưa qua trường lớp tiếng Anh, ngoại trừ một khóa ngữ pháp căn bản khoảng 2 tháng hồi năm 1990 để bắt đầu quá trình học tiếng Anh từ đó cho đến nay (chưa bao giờ ngưng nghỉ mà cũng còn hoài không học hết được). Sau đây là những kinh nghiệm tự rút ra của một người đã và đang đi qua con đường “trần ai khoai củ” tự học tiếng Anh. Để học tiếng Anh hiệu quả, người học cần có một số quan niệm cho phù hợp.

Sẽ không có thầy nào, dù là siêu hạng đến đâu, có thể dìu dắt ta đi đến đích. Không có nghĩa là bạn không cần thầy, nhưng bạn phải nhớ là chỉ có chính ta mới có thể đưa ta đến đích. Cũng không có một phép màu nhiệm nào để ta chỉ việc ghi danh vào một trường, lớp nào đó để sau vài khóa, mỗi khóa vài tháng là ta thành công được, nếu chính ta không tự cố gắng trong lúc đó và tiếp tục nỗ lực liên tục sau này. Bạn có thể hỏi “thế nào là đến đích”. Chúng tôi cho rằng “đích” là một mục tiêu di động, khi bạn đi tới một “đích” thì nhắm tới “đích” kế tiếp trên con đường cố gắng làm sao để sử dụng tiếng Anh tự tin hơn, trôi chảy hơn, và để người nghe ta nói và người đọc cái ta viết không phải “cực nhọc” lắm mới hiểu. Bạn có thể đặt các mục tiêu trong 3 tháng, 1 năm, 5 năm, hay 10 năm trên con đường đó.

Học sử dụng chứ không phải học về tiếng Anh. Ta nên quan niệm học là để sử dụng (learn to use English) chứ không phải học về tiếng Anh (learn about English). Quan niệm này quan trọng lắm. Có nhiều bạn không sử dụng tiếng Anh được, mặc dù kiến thức về tiếng Anh thì nhiều lắm. Nếu bạn để ý sẽ thấy rằng số người “biết tiếng Anh” thì nhiều, nhưng số người có thể sử dụng được tiếng Anh thì ít hơn. Tương tự như khi học võ mà chỉ học để biết về võ chứ không học thực hành và trải qua đánh đấm thực sự. Học bơi cũng vậy, ta có thể học “về bơi lội” mà không hề xuống nước để đến khi bị chìm tàu, phải xuống nước thì chới với. Bạn có thể nói “nhưng mà tôi không có cơ hội tiếp xúc thì làm sao?”. Xin thưa, cơ hội để nghe và đọc thì nhiều lắm: băng đĩa, sách, internet, bạn có thể nghe, đọc suốt đời không hết. Nếu bạn không có cơ hội thực tập nói với người bản xứ thì bạn có thể thực tập nói với bạn học cùng lớp, hoặc tổ chức những câu lạc bộ nói tiếng Anh với nhau. Cơ hội là do mình tạo ra. Bạn hình dung việc học tiếng Anh như lượm gạch để xây một “tòa lâu đài” hoặc chí ít “căn nhà tiếng Anh” có thể ở được cho mình, chứ không phải tích lũy một đống kiến thức như đống gạch vụn mà không thành căn nhà. Nếu bạn đăng ký một lớp tiếng Anh thì bạn nên lựa lớp nào mà ở đó ông thầy chỉ là người “giúp việc” cho bạn, hướng dẫn nguyên tắc và cho bạn được “đánh võ” chứ không phải là làm thầy giảng thao thao bất tuyệt cho bạn nghe.

“Học ở đại lộ trước, học trong hẻm sau”. “Học trong hẻm” tức là học những chi tiết, ví dụ mới bắt đầu mà cố học thuộc lòng bảng động từ bất quy tắc; còn “học ở đại lộ” là học những nét lớn, ví dụ học cấu trúc câu. Nếu mới bắt đầu học mà bạn quá bận tâm chi tiết thì sẽ bị lạc lối vào mê cung tiếng Anh, càng ngày càng lạc vào rừng thẳm tiếng Anh, nản chí vô cùng. Hãy hình dung bạn có một người bạn nào đó từ một tỉnh xa đến, chưa biết đường đi lối lại ở Sài Gòn, nhờ bạn hướng dẫn. Người đó đến bến xe và bạn bắt đầu hướng dẫn đường sá Sài Gòn bằng cách là dẫn đi hết các hẻm ở khu vực đó và học thuộc các hẻm trước khi đi tiếp thì có khi học cả đời cũng chẳng thuộc nổi đường đi ở Sài Gòn. Đến khi đã đi hết tất cả các đường sá và hẻm của cả thành phố rồi thì sẽ không ráp lại được thành sơ đồ trong đầu để có thể tự mình đi rong mà không bị lạc. Cách hay hơn là bạn nên dắt bạn của bạn đi theo những trục đường chính của thành phố và chỉ ra những điểm mốc quan trọng dễ nhớ để có lỡ đi lạc thì quay lại đó, định hướng đi tiếp. Còn việc học thuộc các con hẻm thì hãy để bạn đó tự làm cả đời về sau.

Đừng tự chế tiếng Anh. Có nghĩa là người nói tiếng Anh bản xứ nói làm sao, viết làm sao thì ta nói và viết theo như vậy chứ đừng tự chế. Tiếng Anh mà ta tự chế ra để nói, viết thì sẽ là “Vietlish” hay “English made in Vietnam”. Cho nên bạn “đừng nói ra câu nào mà bạn chưa nghe người nói tiếng Anh bản xứ nói và đừng viết ra câu nào mà bạn chưa thấy người nói tiếng Anh bản xứ viết”. Vậy thì bạn phải nghe nhiều, đọc nhiều, đọc rộng; và lượm lặt những cấu trúc câu, thành ngữ, cách diễn đạt chính gốc của họ và thay thế từ ngữ vào. Thí dụ, bạn đã nghe được họ nói một câu, sau đó bạn lấy cấu trúc câu đó và đến lượt bạn sử dụng thì bạn thử thay thế danh từ bằng danh từ khác, động từ bằng động từ khác để diễn đạt ý mình muốn.

Đừng học từ lẻ mà học theo “sảnh”
. Trong trò chơi bài “Tiến lên”, đi “sảnh” là đi một loạt các quân bài cùng một lúc, thí dụ một sảnh gồm các cây 9, 10, J, Q, K, A, thay vì đi lẻ từng cây. Khi học tiếng Anh cũng vậy, nếu ta học lẻ từng từ một thì khi ta “xổ” tiếng Anh ra thì ta cũng sẽ khó nhọc “rặn” ra từng từ, từng từ, nghe nó cứ “lục cục lòn hòn” như đi xe honđa ôm trên đường đá thô. Còn khi ta học vào theo từng “sảnh”, tức là học nguyên một câu, một cụm từ, hay một thành ngữ; thì khi ta “xổ” ra thì sẽ theo từng “tràng” từng “tràng” như là súng liên thanh.

Đừng tra tự điển ngay. Không tra từ điển làm sao biết? Bạn nên nhớ rằng từ điển chỉ dùng để tra cứu khi thật sự cần thiết, chứ không dùng để học. Nếu bạn muốn tiến xa trên con đường học tiếng Anh thì ngay từ bây giờ phải dứt khoát dẹp cuốn tự điển đi. Còn nếu vẫn muốn dùng tự điển thì chỉ nên dùng từ điển Anh-Anh, đừng dùng từ điển Anh-Việt. Sau một thời gian học và tích lũy vốn tiếng Anh, bạn sẽ thấy rằng vốn tiếng Anh của bạn có thể xếp thành 02 loại: Loại 1 là “Vốn tiếng anh thụ động”, tức là có những từ ngữ, cấu trúc, hay câu mà bạn có thể hiểu được khi người ta nói sẵn hoặc viết sẵn còn tự bạn thì không có khả năng tự mình nói ra, viết ra được, và Loại 2 là “Vốn tiếng Anh chủ động” tức là những từ ngữ, cấu trúc, hay câu mà bạn chẳng những có thể hiểu khi người ta nói hoặc viết mà tự bạn còn có thể sử dụng thành thạo tự tin nữa. Vậy thì bạn nên làm sao chuyển vốn loại 1 thành vốn loại 2 càng nhiều càng tốt. Nếu bạn sử dụng từ điển thì bạn tích lũy vốn loại 1 nhiều hơn và khó chuyển sang loại 2. Bạn dẹp bỏ từ điển từ đầu thì bạn sẽ bắt đầu thu nạp vào vốn loại 2 ngay từ đầu. Đối với một từ nào đó bạn mới gặp lần đầu, bạn đừng tra từ điển mà đọc lướt qua luôn, các chữ còn lại trong câu và văn cảnh của đoạn đó sẽ cho bạn biết sơ sơ về nghĩa của từ đó, bạn cứ yên chí và đừng vội tra từ điển. Sau này bạn đọc tài liệu khác thì bạn sẽ gặp lại chữ đó trong câu khác, văn cảnh khác, bạn sẽ biết nghĩa của từ đó rõ hơn một chút, và đến lần gặp thứ năm, thứ sáu thì từ đó sẽ thực sự là của bạn để bạn có thể tự tin mà sử dụng. Nếu bạn tra từ điển ngay từ đầu thì các từ ngữ mà bạn gặp sẽ mãi mãi là của người khác, tức là mãi mãi sẽ chỉ là người quen sơ sơ” của bạn. Sau khi từ nào đó đã thành “người quen” của bạn thì bạn có thể sử dụng từ điển Anh-Anh để học hết các “từ họ hàng” của từ đó để “làm quen với cả gia đình” của từ đó luôn thể.

Tắt cái “máy dịch” trong đầu. Khi ta mới học tiếng Anh, ta thấy rằng thông thường ta suy nghĩ bằng tiếng Việt rồi cố gắng chuyển qua tiếng Anh. Đầu tiên là coi Subject là gì, ngôi thứ mấy để chia động từ có s hay là không có s (hoặc es), rồi đến Tense gì, hiện tại hay quá khứ; thường, tiếp diễn, hay hoàn thành để chia động từ; rồi coi động từ có quy tắc không, v.v. Đó mới là một câu đơn, còn muốn bổ nghĩa thêm hoặc dùng câu phức thì còn khổ hơn nữa. Bạn học lâu năm thì sẽ biết hết các thứ này, nhưng vấn đề là làm sao nhanh, dùng liền tại chỗ, chứ mình ngồi đó mà lắp ráp kiểu đó “rặn” ra được một câu thì “thằng tây” đã về ngủ một giấc, quay lại mình ráp chưa xong một câu.

Vậy có cách nào không? Xin thưa là có. Cách đó là bạn theo mấy nguyên tắc nói ở trên (Đừng tự chế tiếng Anh, Đừng tra tự điển ngay, Học theo “sảnh”), sau một thời gian thì bạn cương quyết là “tắt cái máy dịch trong đầu” và muốn nói, viết cái gì thì suy nghĩ thẳng bằng tiếng Anh luôn, khỏi phải qua mấy giai đoạn: Suy nghĩ bằng tiếng Việt; dịch ra tiếng Anh trong đầu; nói, viết ra bằng Tiếng Anh; để rồi khi nghe người ta nói thì lại phải nghe tiếng Anh rồi dịch ra tiếng Việt trong đầu để hiểu.

Làm một bộ thẻ học tiếng Anh. Bạn thường nghĩ rằng mình không có thời gian, thực ra bạn có nhiều khoảng thời gian nhỏ trong ngày có thể tận dụng như trong lúc chờ xe buýt, chờ vá ruột xe, chờ khám bệnh, lúc tập thể dục. Bạn hãy làm những tấm thẻ bỏ túi, ghi những từ ngữ hoặc những quy tắc ngữ pháp cần nhớ, hay một mẫu câu hay. Khi chờ xe vá ruột xe, bạn có thể rút thẻ ra nhìn nhanh rồi cho vào túi. Ở nhà thì thẻ nào đã thuộc, bạn cho vào một hộp; thẻ nào chưa thuộc thì cho vào một hộp khác. Nếu bận tận dụng thời gian như thế 10 lần trong ngày, mỗi lần 3 phút thì bạn đã có 30 phút để học mỗi ngày. Học ít mỗi ngày mà đều đặn sẽ tốt hơn học nhiều một lúc rồi bỏ phế một thời gian dài mới quay lại học tiếp.

Kinh nghiệm là của người khác. Khi bạn nghe kinh nghiệm và “bí quyết” của người khác thì cũng chỉ có giá trị tham khảo mà thôi. Bạn có thể áp dụng thử nhưng bạn hãy tự mình rút ra kinh nghiệm cho riêng mình và tìm phương pháp nào phù hợp nhất với chính mình để học tiếng Anh.

Nguyễn Hữu Thiện

2 comments: