Tuesday, October 2, 2012

Công việc thông ngôn tại Liên Hiệp Quốc diễn ra như thế nào?


* YTCxHCMC xin trân trọng giới thiệu với cộng đồng dịch giả trẻ một vài thông tin sơ nét về công việc phiên dịch đồng thời trong môi trường hội nghị của Liên Hiệp Quốc. Bài viết được đăng trên trang mạng báo An Ninh Thế giới vào ngày 26/03/2005.

Theo quy định của Liên Hiệp Quốc (LHQ), ngôn ngữ chính thức dùng trong các hoạt động của tổ chức này gồm 6 thứ tiếng xếp theo vần A, B, C của tiếng Anh là Arập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha. 6 thứ tiếng đều có hiệu lực ngang nhau. Đại biểu các nước có thể sử dụng 1 trong 6 thứ tiếng nói trên. Tuy nhiên, trong giao dịch thường ngày, Ban thư ký chỉ dùng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Tại các cuộc họp chính thức, Ban thư ký có trách nhiệm dịch “đuổi” phát biểu của các đại biểu ra 6 thứ tiếng. Các văn kiện chính thức kể cả các bài phát biểu quan trọng đều in bằng 6 thứ tiếng, còn những văn kiện thông thường chỉ dùng tiếng Anh và tiếng Pháp.

Đại biểu các nước đều rất coi trọng ngôn ngữ của Tổ quốc mình, vì thế trong các cuộc họp chính thức đều phải bố trí đủ phiên dịch để dịch ý kiến phát biểu của các nước ra 6 thứ tiếng. Nếu dịch thuật sai sót, đại biểu nước đó sẽ bày tỏ thái độ phản kháng bằng cách rời khỏi phòng họp. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, Ban thư ký của LHQ đã có một đội ngũ đông đảo phiên dịch viên, bao gồm dịch nói và dịch viết tới 470 người. Tuy đông như thế, nhưng tại các kỳ họp Đại hội đồng LHQ hằng năm, lực lượng phiên dịch vẫn chưa đáp ứng, phải mời thêm một số phiên dịch của LHQ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác tới giúp sức.

Tại mỗi vị trí đại biểu trong hội trường lớn đều có một tai nghe, có thể nghe được cả 6 thứ tiếng, đại biểu muốn nghe bằng ngôn ngữ nào tùy ý chọn lựa bằng cách ấn vào nút của thứ tiếng đó. Giữa các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha, chẳng những về mặt kết cấu ngữ pháp có phần nào giống nhau mà về từ ngữ cũng có nhiều từ tương tự, người phiên dịch vừa nghe vừa dịch đuổi theo không mấy khó khăn. Riêng đối với tiếng Trung Quốc thì khác, phải nghe hết câu mới dịch được, nếu không sẽ khó dịch một cách chính xác.

Nhiều đại biểu lại không phát biểu bằng tiếng Anh, cho nên phiên dịch tiếng Trung phải đợi người ta dịch ra tiếng Anh rồi mới dịch được ra tiếng Trung. Cũng như vậy, phần dịch văn bản cũng rất chậm, nên số phiên dịch tiếng Trung là đông nhất.

Tại các cuộc họp Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ, chẳng những phải dịch “đuổi” 6 thứ tiếng mà còn phải ghi chép biên bản bằng 6 thứ tiếng, hơn thế nội dung của 6 biên bản bằng 6 thứ tiếng phải hoàn toàn thống nhất. Vì thế, sau phiên họp phải lấy biên bản một thứ tiếng làm gốc để hiệu đính biên bản của 5 thứ tiếng kia cho thống nhất hoặc lấy biên bản một thứ tiếng làm gốc rồi dịch lại.

Các văn kiện của Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ theo quy định đều phải dịch chính xác và in ấn kịp thời, để trao cho đại biểu các nước vào 6 giờ ngày hôm sau. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, các nhân viên hữu quan sẽ bị mất việc. Nói chung, các loại văn kiện đều có ghi rõ thời gian phải hoàn thành. Nội dung các văn kiện của LHQ liên quan đến phạm vi rất rộng,  điều đó yêu cầu người phiên dịch phải giỏi ngoại ngữ, có hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực và có năng lực diễn đạt bằng ngôn ngữ. Bản dịch in mực đen trên giấy trắng, thời hạn lưu trữ lâu dài, chỉ cần một sai sót nhỏ là các đoàn đại biểu có liên quan góp ý rồi yêu cầu đính chính hoặc dịch lại.

Thực ra, đảm nhiệm công tác phiên dịch ở LHQ còn phải có trình độ chính trị cao. Các vấn đề thảo luận tại Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an bao gồm nhiều vấn đề tranh chấp quốc tế, việc dùng từ ngữ phải thể hiện sự nhạy cảm về chính trị. Công tác ngôn ngữ tại LHQ phục vụ cho sự hoạt động của các đoàn đại biểu các quốc gia, do đó phải khách quan, phải thực sự tôn trọng tất cả các đoàn đại biểu, không vì các vấn đề có tranh chấp mà có thái độ không đúng mực với các đoàn đại biểu có liên quan.

Người phiên dịch phải nắm được tình hình thế giới, hết sức nhạy cảm đối với các vấn đề tranh chấp. Ví dụ: LHQ chỉ thừa nhận một nước Trung Quốc, tức là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bốn chữ “Trung Hoa dân quốc” tuyệt đối không được xuất hiện trong các văn kiện của tổ chức quốc tế rộng lớn này, khi cần nhắc tới “Đài Loan” phải thêm từ “vùng”.

0 comments:

Post a Comment