Thursday, May 23, 2013

Người chuyển ngữ đặc biệt của Nick Vujicic tại Việt Nam

* YTCxHCMC xin trân trọng giới thiệu với cộng đồng dịch giả trẻ nội dung bài viết nhan đề "Người chuyển ngữ đặc biệt của Nick Vujicic tại Việt Nam" được đăng trên trang mạng báo Dân trí vào ngày 23/05/2013. Điều đáng tiếc là vai trò của người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu này một cách tổng quát đã không được hiểu đúng và đủ từ phía những người tổ chức, xét trong bối cảnh việc dịch thuật vẫn chưa được coi trọng như một nghề nghiệp, mà thực tế là hiện tại Việt Nam chưa có bất cứ hội nào của riêng những người làm nghề dịch. Tuy nhiên, bài viết này có tính gợi mở về một chuyên ngành hẹp của phân ngành phiên dịch là ngôn ngữ ký hiệu (thủ ngữ, dấu tay), có thể là tư liệu hữu ích cho các dịch giả có nhiều sự quan tâm tới đối tượng người sử dụng dịch vụ phiên dịch là người khiếm thính.

Trong buổi nói chuyện đầu tiên của Nick Vujicic với công chúng TP.HCM, mọi người chăm chú nghe người chuyển ngữ đứng ngay bên cạnh Nick dịch từng lời của anh. Ít ai để ý, ở góc phải sân khấu còn 1 người chuyển ngữ khác, rất đặc biệt.

Đó là chị Huỳnh Thị Cát Viên, giáo viên Trường khuyết tật thính giác Hy Vọng 1 (TPHCM). Chị được mời làm người chuyển nội dung nói chuyện của Nick thành ngôn ngữ ký hiệu (còn gọi là thủ ngữ, dấu tay) cho người khiếm thính “nghe” hiểu được nội dung Nick nói.


Chị Cát Viên được mời làm người chuyển nội dung nói chuyện của Nick thành ngôn ngữ ký hiệu

Khi phải diễn thuyết cho khán giả không cùng ngôn ngữ, người chuyển ngữ là rất quan trọng quyết định sự thành bại của chương trình. Bởi nếu người chuyển ngữ không thể chuyển tải hết cái thần, ngữ điệu của diễn giả mà chỉ đơn thuần dịch chuẩn thì chẳng khác nào diễn giả đang đọc diễn văn chứ không phải là diễn thuyết, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho khán giả.

Với người khiếm thính, người chuyển ngữ trong những buổi nói chuyện như thế này càng quan trọng hơn. Bởi nếu không người chuyển ngữ sang ngôn ngữ ký hiệu, họ sẽ hoàn toàn không thể nghe thấy để hiểu nội dung buổi nói chuyện. Tuy nhiên, để thông dịch tốt cho người khiếm thính thì cần 1 người chuyển ngữ có kinh nghiệm và am hiểu mọi lĩnh vực đời sống, vốn từ “thủ ngữ” đầy đặn…

Chị Cát Viên là một thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu khá có tiếng tại TPHCM. Chị có thâm niên hơn 10 năm làm thông dịch cho người khiếm thính tại các hội thảo, hội nghị… Từ tháng 3/2010, chị thường xuất hiện trên kênh HTV9 của Đài truyền hình TPHCM với vai trò là MC cho bản tin thế giới dành riêng cho người khiếm thính phát vào lúc 15h hàng này (trừ chủ nhật).

Chị còn có kinh nghiệm nhiều lần tham gia thông dịch cho người khiếm thính phạm tội trước tòa… Do đó, chị Cát Viên là người chuyển ngữ khá phù hợp để đảm bảo chất lượng chuyển ngữ cho buổi nói chuyện của Nick ở TPHCM.

Dù rất vui vì được mời làm người chuyển ngữ cho Nick nhưng chị cũng không hài lòng với chất lượng buổi dịch cuộc nói chuyện trong chương trình “Chào Việt Nam” của Nick Vujicic diễn ra tại TPHCM ngày 22/5.
Đơn giản vì để người khiếm thính “nghe hiểu” được người chuyển ngữ nói gì thì họ phải thấy rõ dấu tay và biểu hiện nét mặt của người chuyển ngữ. Thế nhưng, trong chương trình này chị Cát Viên được bố trí ở 1 góc sân khấu xa tít, ánh đèn không bao giờ chiếu tới.


Vị trí đứng của chị Cát Viên khá xa sân khấu chính và tối


Chụp hết sân khấu cũng không thấy chị Cát Viên ở đâu


Còn bị che khuất bởi bảo vệ và người BTC

Anh Nguyễn Văn Cử, một người khuyết tật có tham gia chương trình cho biết: “Tôi nhìn còn không thấy mặt người chuyển ngữ để biết đó là ai nữa thì làm sao mà “nghe hiểu” được”. Do đó, khả năng “nghe hiểu” của những người khiếm thính tham gia trực tiếp tại chương trình hôm đó là rất ít.

Một điểm khác là khi lên sóng truyền hình, hình ảnh người chuyển ngữ ngôn ngữ kí hiệu thường nằm 1 góc của màn hình. Chương trình “Chào Việt Nam” của Nick có truyền hình trực tiếp nhưng hình ảnh người chuyển ngữ ngôn ngữ ký hiệu không hề xuất hiện trên màn hình tivi. Thế là hy vọng xem buổi nói chuyện của Nick qua truyền hình của người khiếm thính cũng tiêu tan.

Trong khi ý định ban đầu của ban tổ chức rất tốt là mong muốn cho người khiếm thính theo dõi được chương trình này nên đã sắp xếp mời chị Cát Viên làm người chuyển ngữ.

Thế nhưng, do bố trí không hợp lý nên vai trò của người chuyển ngữ đặc biệt trong chương trình này hầu như mất hẳn. Có thể nói đó là 1 điểm trừ lớn cho chương trình truyền hình trực tiếp được tổ chức công phu, hoành tráng và tốn kém.

0 comments:

Post a Comment