* YTCxHCMC trân trọng giới thiệu với cộng đồng dịch giả trẻ nội dung bài viết nhan đề "Dịch thuật sử học Việt Nam trong thế giới phẳng" cung cấp một số thông tin so sánh về hoạt động dịch thuật chuyên ngành sử học, văn hóa học, Trung Quốc học và Đông Nam Á học giữa Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc (không bao gồm Đài Loan). Những thông tin mà bài viết nêu ra là một thực tế đáng báo động về tinh thần dấn thân của giới dịch giả Việt Nam trong bối cảnh nước láng giềng đã đi trước hơn nửa thế kỷ trong việc xây dựng một mạng lưới dịch giả quốc gia. Bài báo của dịch giả kiêm nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân được đăng lần đầu trên trang mạng báo Tuổi Trẻ vào ngày 13/02/2015 trong chuyên mục "Vấn đề - Sự kiện".
Một nền học mới khởi đi từ khoảng 100 năm trước đã để lại những dấu ấn sâu sắc tại nhiều quốc gia châu Á, khi mà những tiếp biến khoa học, văn hóa và tri thức nói chung ngày một tấp nập và đa chiều. Trong góc nhìn khoa học xã hội, cụ thể là với nền sử học hiện đại Việt Nam, thử nhìn lại việc dịch thuật các tác phẩm sử để đo lường chiều sâu, bề rộng của quá trình này.
Chuyện bên láng giềng
Cuối tháng 8 năm rồi, một bản tin trên trang web của Đại học Vân Nam (Trung Quốc) không thể không bắt chúng ta phải nghiền ngẫm. Bản tin thông báo dự án “Dịch thuật các nghiên cứu về Đông Nam Á của ngoại quốc” đã khởi động từ ngày 12-7-2014.
Đây là một chương trình dài hơi, với mục đích dịch sang Trung văn và xuất bản thành tùng thư gồm những nghiên cứu từ nhiều ngôn ngữ của các học giả phương Tây và Đông Nam Á chuyên nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á. Chủ biên tùng thư này là Tôn Lai Thần (Sun Laichen) - học giả Hoa kiều đang dạy sử tại CSUF (California State University, Fullerton), người từng đưa ý tưởng và thôi thúc dự án từ hơn mười năm trước.
Tháng 4-2015, dự án nói trên sẽ hoàn thành và xuất bản chín bản dịch, trong đó có ba bản liên quan trực tiếp đến Việt Nam, gồm: Nghiên cứu lịch sử An Nam (phần I): Công cuộc chinh phục An Nam của hai triều Nguyên, Minh của học giả Nhật Bản Yamamoto Tatsuro (Sơn Bản Đạt Lang, Tokyo: Yamakawa Shuppansha, 1950); Ho Chi Minh: A life của học giả Mỹ William J. Duiker; Nỗi buồn chiến tranh, tiểu thuyết của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh. Dự án này cũng sẽ tái bản Việt Nam thông sử (nguyên tác Việt ngữ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Đới Khả Lai dịch, Thương Vụ ấn thư quán xuất bản lần đầu năm 1992).
Phần tiếp nối của dự án sẽ là 25 bản dịch sách lịch sử và nghiên cứu sử chuyên đề (của 20 tác giả đương đại và 5 tác giả cổ đại). Trong số này có những công trình rất mới như A history of the Vietnamese của Keith Taylor (Cambridge University Prees, 2013), A new history of Southeast Asia của M.C. Ricklefs (Palgrave Macmillan, 2010), Sự hình thành và tiếp biến của nhà nước Đại Việt thời trung đại của Momoki Shirou (Đào Mộc Chí Lãng, Hội xuất bản Đại học Osaka, 2011), có tác phẩm kinh điển về văn hóa Việt Nam của Pierre Huard & Maurice Durand (Connaissance du Viet-Nam, Hanoi, EFEO, 1954), có nghiên cứu so sánh về chế độ chính trị Trung Quốc - Việt Nam của Alexander Barton Wooside (1) và cũng thấy có Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13 của Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm nữa.
Cái mới của dự án dịch thuật thuộc Đại học Vân Nam là việc hình thành một tổ chức đặc nhiệm nhằm nhanh chóng nắm bắt những vấn đề trọng yếu liên quan đến chính trị, kinh tế và quân sự thuộc khu vực Đông Nam Á hoặc những phân tích sâu sắc nằm trong các nghiên cứu mới mẻ thuộc diện đỉnh cao học thuật của các tác giả ngoài Trung Quốc. Nó là sự nối tiếp một cách quy mô, hệ thống và bài bản công việc mà học giới nước này đã làm gần 90 năm qua.
Trong khoảng từ năm 1950 đến nay, không kể các báo cáo quân sự hoặc niên giám kinh tế, về học thuật, sơ bộ thấy Trung Quốc đã dịch của Việt Nam khoảng hơn 50 tựa, đáng chú ý là bốn bộ thông sử gồm của Đào Duy Anh (Việt Nam cổ đại sử, Thương Vụ ấn thư quán xuất bản năm 1959), Minh Tranh (Việt Nam sử lược, Tam Liên thư điếm, 1960), Viện Khoa học xã hội (Việt Nam lịch sử, Bắc Kinh Nhân Dân xuất bản xã, 1977, tham khảo nội bộ), Trần Trọng Kim (Việt Nam thông sử, Thương Vụ ấn thư quán, 1992); một bộ lịch sử địa lý Việt Nam của Đào Duy Anh (Thương Vụ ấn thư quán, 1973); năm cuốn chuyên đề về biển Đông (Tập san Sử địa 29, hai cuốn Sách trắng và hai cuốn của nhà ngoại giao kỳ cựu Lưu Văn Lợi).
Ngoài số đó còn có các bản dịch từ tác giả Tây, Nhật nghiên cứu về Việt Nam, tiêu biểu như Việt Nam Trung Quốc quan hệ sử niên biểu của Yamamoto Tatsuro (Sở Nghiên cứu Đông Nam Á tỉnh Vân Nam xuất bản, 1983), Việt Nam Nguyễn thị vương triều xã hội kinh tế sử của Li Tana (NXB Văn Tân, 2000), Việt Nam chính trị kinh tế chế độ nghiên cứu của Shiraishi Masaya (NXB Đại học Vân Nam, 2006).
Lược thuật trên đây chưa đề cập lãnh thổ Đài Loan, vốn là nơi mà không khí học thuật thoáng đãng và vượt xa hơn rất nhiều, nhất là việc dịch thuật.
Ngược về thời kỳ Dân Quốc, là thời kỳ bắt đầu đặt nền tảng của nền học mới, năm 1927 học giả Phùng Thừa Quân (Feng Chengjun/, 1885-1946) cho xuất bản bản dịch Côn Lôn cập Nam Hải cổ đại hàng hành khảo (2), và từ đó cho đến 20 năm sau, học giả này hoàn thành hơn 100 bản dịch gồm những bài nghiên cứu và sách của các học giả phương Tây đăng trên BEFEO (tạp chí của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đặt tại Hà Nội), T’oung Pao (tạp chí của Hà Lan), Journal Asiatique (tạp chí của Hội Nghiên cứu châu Á, Pháp)...
Các nghiên cứu được chọn dịch hầu hết liên quan đến lịch sử, văn hóa Trung Á và Đông Nam Á, trong số đó có hơn 10 công trình nghiên cứu về Việt Nam mang tính cơ bản và rất nổi tiếng như: Khảo về Tượng quận thời Tần Hán, Khảo về cương vực Phủ đô hộ An Nam thời Đường, Khảo về các quốc gia trên bán đảo Việt Nam đầu thời Tống, Chính trị & địa lý nước An Nam trong các triều đại Lý, Trần, Hồ... của H. Maspero; Vương quốc Champa của G. Maspero; Khảo về việc bình định An Nam đầu thời Tần, Bổ túc sử liệu Champa của Aurousseau; Khảo về nước Phù Nam, Ghi chú về “Chân Lạp phong thổ ký”, Khảo về Mâu Tử, Một số vấn đề về sử liệu Trung Quốc liên quan đến Việt Nam... của P. Pelliot; Các thế hệ vương triều Việt Nam của M.L. Cadière...
Chuyện ở nước nhà ta
Nhìn lướt qua một thế kỷ học thuật ở nước bên cạnh, chúng ta phần nào hình dung được sự yếu kém của nền sử học nước nhà trên con đường học thuật thênh thang của nhân loại.
Một thế kỷ qua hầu như những người làm sử và nghiên cứu sử nước ta chưa dịch trọn vẹn bộ thông sử Việt Nam nào trong số mấy chục bộ do ngoại quốc soạn, trước đây như của tác giả Pháp, gần đây như của các tác giả Trung Quốc và mới đây như của K. Taylor chẳng hạn.
Dù nguyên nhân là gì thì việc không dịch và phổ biến những trứ tác bên ngoài thì cũng là một kiểu sai lầm, và thiệt thòi đầu tiên là ta sẽ mãi mãi không hiểu cặn kẽ đối phương.
Trung Quốc tuy dịch nhiều nhưng nhìn kỹ thấy có phân biệt ra hai nhóm, một nhóm sách là những công trình nghiên cứu đỉnh cao để họ học tập và một nhóm sách là dịch để hiểu đối phương. Đối với Trung Quốc, sách sử Việt Nam đương nhiên thuộc nhóm thứ hai, đến như cuốn sử chuyên đề Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (NXB Thế Giới Tri Thức, 1980) mà trong đó người nước ta mắng tổ tiên họ ra rả mà họ cũng dịch cũng bày bán, hay như cuốn Nỗi buồn chiến tranh lọt trong mớ toàn sách sử mà Đại học Vân Nam đang dịch thì ta phải biết họ không dựa trên tiêu chí giá trị văn chương gì đâu.
Đối với các nghiên cứu sử có giá trị khoa học thì ta dịch quá ít, lác đác mới thấy có vài cuốn như của Yoshiharu Tsuboi, Li Tana, A.L. Fedorin, Choi Byung Wook cùng với một số bài nghiên cứu ngắn hoặc rất ngắn. Hậu quả của sự thiếu giao lưu học thuật qua con đường phiên dịch này cũng giống như thời nhà Nguyễn bế quan tỏa cảng, sử học Việt Nam vẫn đang đóng cửa “độc hành kỳ đạo”. Cứ đọc thử vài bài tham luận thuộc mảng sử trong những quyển kỷ yếu hội thảo Việt Nam học sẽ thấy ngay mức chênh lệch xa lắc giữa tác giả trong nước với tác giả bên ngoài. Người Việt Nam mà nghiên cứu về Việt Nam còn thua bên ngoài, nói chi đến việc nới rộng ra khu vực hay thế giới.
Các sách về phương pháp luận tuy được lưu ý sớm, thời kỳ tạp chí Nam Phong (1917-1934) đã có đăng vài bản dịch từ tiếng Pháp, cung cấp một số kiến thức cơ bản về phép viết sử và phương pháp nghiên cứu mới cho người đương thời, nhưng đây lại là công việc thuộc về trào lưu, chục năm không đổi đã gọi là lạc hậu.
Việc thống kê, khai thác sử liệu và hiệu khám sử liệu từ bên ngoài cũng quá chậm chạp. Bản dịch bộ Những người bạn cố đô Huế (B.A.V.H.), vài cuốn sử liệu Trung Quốc liên quan đến Việt Nam, tập sử liệu Đông Ấn Hà Lan cùng với vài tập du ký mỏng mỏng của người phương Tây chẳng thấm vào đâu đối với nhu cầu thực tế.
Nếu trong dịp kỷ niệm một thế kỷ Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) ở Việt Nam vừa qua chẳng hạn, mà một vài bản dịch tiếng Việt từ các tác giả EFEO đăng trên BEFEO ra đời thì có lẽ ngoài dấu ấn sâu sắc nó còn có giá trị thúc đẩy học thuật cao hơn nhiều thay vì các bài diễn văn kể lể. Đã đành hoạt động nào cũng có giá trị và lợi ích riêng của nó, nhưng ở đây lại là biểu hiện của sự mất cân đối trong hoạt động học thuật. Trong hàng trăm nghiên cứu của EFEO trước năm 1959, đến năm 2008 mới thấy ra đời một bản dịch Việt văn mà nguyên tác của nó đã nổi tiếng ngay sau khi xuất bản năm 1944 ở Hà Nội (Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, G. Coedès, Nguyễn Thừa Hỷ dịch). Còn những nghiên cứu thiết thực hơn về lịch sử nước nhà từ kho BEFEO, T’oung Pao, Journal Asiatique... mà đại đa số người nghiên cứu ở xứ ta chưa đọc được thì giới học thuật Trung Quốc đã được đọc bằng Trung văn hồi 70, 80 năm trước!
Chưa kể, có một nỗi thẹn khi việc hiệu khám bộ chính sử thì do một học giả Trung Hoa thực hiện và in ở Nhật (Trần Kinh Hòa, Đại Việt sử ký toàn thư hiệu hợp bản, 1983), hoặc như việc làm thư mục kho sách Hán Nôm thì phải nhờ người Pháp giúp đỡ (Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, 1993) mà cũng sai sót tùm lum.
Sẽ có ý kiến đổ cho hoàn cảnh lịch sử, rằng chiến tranh lâu dài mà lại nhằm vào lúc nền sử học mới đang trưởng thành, tiếp đến là thay đổi hệ thống giáo dục, gò bó quan điểm... Dẫu đó là thực tế đi chăng nữa thì xét kỹ ra mới chỉ là một mặt của những nguyên nhân khiến sử học lạc hậu.
Hồi mới bắt đầu dịch thuật, người nước ta chuyên chú vô truyện Tàu, đọc khắp chợ cùng quê, thôi thì cũng là phù hợp với mặt bằng dân trí, nhưng ngày nay dịch tiểu thuyết ngôn tình, nhiều đến độ chất thành núi, thì cũng do mặt bằng dân trí sao? Do không ai tư vấn được những chương trình hay và có ích lợi lâu dài cho Chính phủ, do kém về ngoại ngữ, hoặc là lười biếng dịch thuật? Đến nay nhìn lại thì việc xưa chồng chất, việc mới ồ ập.
Nền học thuật nào muốn hiểu rõ mình hẳn độ 20 năm có một tiểu kết, độ 50 năm làm một tổng kết, nếu như có ai đủ điều kiện làm cuộc đại kết một thế kỷ sử học Việt Nam, xin mạo muội gởi vài ý trong bài này vào phần nói về những chỗ chưa được.
(1): Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of the Nineteenth Century, Cambridge, 1988)
(2): từ nguyên tác Le K’uoen-Louen et les anciennes navigations in terocéaniques dans les mers du sud của Gabriel Ferrand (Journal Asiatique, 1919)
Phạm Hoàng Quân
0 comments:
Post a Comment